Ngày 18/8/2020, Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam do Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển dẫn đầu đã đến thăm và làm việc với AES Việt Nam tại Nhà máy Nhiệt điện BOT Mông Dương 2. Cùng tham dự đoàn đại biểu có sự tham gia của các đại diện UBND tỉnh Quảng Ninh cùng các Sở, Ban, Ngành tỉnh Quảng Ninh.
Đại diện nhà máy đã tổ chức chuyến thăm quan hoạt động vận hành của nhà máy và nhấn mạnh rằng, Nhà máy Nhiệt điện BOT Mông Dương 2 là nhà máy điện BOT đầu tiên trên cả nước và bắt đầu đi vào hoạt động từ năm 2015. Nhà máy Nhiệt điện BOT Mông Dương 2 hiện là một trong những nhà máy nhiệt điện than đang sử dung công nghệ tiên tiến nhất tại ở Việt Nam. Với vốn đầu tư 2,1 tỷ đô la Mỹ và hai tổ máy tổng công suất 1242 MW, nhà máy hiện cung cấp khoảng 2,3% công suất điện của cả nước.
“Chúng tôi rất tự hào khi vận hành Nhà máy Nhiệt điện Mông Dương 2. Trong 5 năm qua, nhà máy đã đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an ninh năng lượng ở Việt Nam và cung cấp điện giúp thúc đẩy phát triển kinh tế và xã hội của địa phương. Sản lượng điện của chúng tôi trong nửa đầu năm 2020 đã đạt hơn 4,9 tỷ kilowatt giờ (kWh), vượt mục tiêu 4,7 tỷ kWh do Bộ Công Thương đề ra cho giai đoạn này.” Ông Stan Riner Giám đốc Bộ phận Vận hành Nhà máy chia sẻ.
Tại buổi làm việc, nội dung về vận hành an toàn và đáng tin cậy của nhà máy rất được đoàn đại biểu quan tâm, trong đó có nội dung về việc xử lý các sản phẩm phụ như tro bay, xỉ đáy lò và thạch cao. Đoàn đại biểu đánh giá cao nỗ lực của nhà máy trong việc tìm cách tăng cường bán các sản phẩm phụ này cho các nhà sản xuất trong ngành xi măng và xây dựng. Các chuyên gia kỹ thuật của nhà máy cũng đưa ra các ứng dụng thực tế của các sản phẩm phụ ở Mỹ và Hàn Quốc, như gạch không nung sản xuất từ tro xỉ, và nêu rõ tầm quan trọng của việc liên kết các nhà máy nhiệt điện với nhà máy xi măng hoặc các công ty khác có nhu cầu về loại vật liệu này.
Kết thúc buổi làm việc, nhóm vận hành cũng khẳng định rằng Nhà máy đã và đang thực hiện các biện pháp phòng ngừa nghiêm ngặt nhằm nỗ lực hết sức để đảm bảo sức khỏe cho người lao động đồng thời đảm bảo tính liên tục của hệ thống sản xuất điện, góp phần vào sự ổn định chung của nền kinh tế trong đại dịch COVID-19.