Trịnh Thanh Tùng, sinh viên Viện Điện tử Viễn thông, trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, từng 4 lần được nhận được Học bổng Năng lượng Tương lai AES, đã được vinh danh với dự án SAFELUNG cung cấp bộ thiết bị giúp cảnh báo các bệnh viêm phổi và và ứng dụng hỗ trợ sàng lọc người nhiễm SARS-CoV-2.
Tùng và dự án SAFELUNG lọt vào TOP 4 dự án xuất sắc nhất khu vực phía Bắc tại Cuộc thi Thử thách Sáng tạo xã hội Việt Nam 2020 (Vietnam Social Innovation Challenge – VSIC). Công nghệ trong dự án cũng đã được giới thiệu trong một bài báo nghiên cứu khoa học của Hội nghị quốc tế ICISN 2021.
Đối với Tùng, học bổng Năng lượng Tương lai AES có ý nghĩa là cơ hội để tiếp tục nghiên cứu và triển khai SAFELUNG nhằm hỗ trợ Việt Nam trong cuộc chiến chống lại COVID-19.
Ông David Stone, Tổng Giám đốc AES Việt Nam kiêm Giám đốc Điều hành Công ty TNHH Điện lực AES Mông Dương đã chia sẻ chúc mừng thành tích này: “Tại AES Việt Nam, chúng tôi thông qua chương trình Học bổng Năng lượng Tương lai AES tự hào được đồng hành và giúp thúc đẩy dự án SAFELUNG, đóng góp tích cực vào nỗ lực chống COVID-19 tại Việt Nam cũng như quá trình phát triển nghề nghiệp của Tùng.”
Tùng xuất thân từ một gia đình làm nông ở tỉnh Quảng Ninh, mục đích ban đầu khi đăng ký học bổng là để giúp giảm bớt gánh nặng học phí và có được những kỹ năng quý giá để tiếp tục phát triển sự nghiệp của mình. Khi dịch COVID-19 bùng phát trên khắp thế giới, Tùng quyết định nghiên cứu hỗ trợ các biện pháp phòng chống dịch ngay tại Việt Nam, bằng cách thiết kế và phát triển một sản phẩm công nghệ có thể giúp phát hiện các tín hiệu về âm thanh phổi từ giai đoạn đầu, đồng thời cải thiện việc giám sát bệnh nhân và cơ hội điều trị thành công.
“Ý tưởng ban đầu của em xuất hiện từ đầu năm 2020, khi đại dịch COVID-19 bắt đầu xuất hiện ở Việt Nam, học sinh sinh viên phải tự học ở nhà. Khi đó, tại trường Đại học Bách Khoa Hà Nội đã có nhiều sản phẩm công nghệ được sáng tạo ra”, Tùng chia sẻ. Ý tưởng cho dự án dựa trên tín hiệu âm thanh của phổi, giúp phân biệt giữa người khỏe mạnh và người ốm yếu. Tùng bắt đầu phác thảo một bộ thiết bị gồm một ống nghe điện tử để nhận tín hiệu từ bệnh nhân, các tín hiệu này được truyền qua một mạng khuếch đại sau đó truyền sang máy tính. Máy tính tiếp tục xử lý các tín hiệu và phân loại các tín hiệu để cho ra kết quả có bệnh hay không có bệnh.
Công nghệ này có thể đưa ra cảnh báo về bệnh viêm phổi hoặc bệnh phổi bằng cách sử dụng Machine learning kết hợp với xử lý tín hiệu, cảnh báo cho người dùng thông qua ứng dụng trên điện thoại thông minh. “Hiện tại, chúng ta chủ yếu kiểm tra nhiệt độ cơ thể để sàng lọc COVID-19. Tuy nhiên, nhiều người bị sốt sau khi ốm nặng nên việc tầm soát này không thực sự hiệu quả. Các biểu hiện ở phổi ở giai đoạn đầu rất rõ ràng. Do đó, nghiên cứu xử lý tín hiệu âm thanh phổi là giải pháp hỗ trợ sàng lọc tối ưu hơn”, Tùng giải thích.
Tuy nhiên, mọi việc không phải luôn suôn sẻ với Tùng và dự án này, Tùng đã gặp rất nhiều thử thách và trở ngại trong hành trình phát triển dự án. “Em đã thành lập một nhóm nghiên cứu mới và bắt đầu lại mọi hoạt động. Chúng em bắt đầu tìm kiếm và giải quyết những vấn đề còn tồn tại, đánh giá ưu nhược điểm của từng phương pháp nghiên cứu để tìm ra phương pháp tối ưu nhất, phù hợp nhất.”
“Chúng em đang mong đợi nhiều nhà đầu tư hơn và thu hút thêm nhiều nhà nghiên cứu có kiến thức trong lĩnh vực này để giúp tiếp tục dự án. Em hy vọng chúng em sẽ được các nguồn tài trợ và các hỗ trợ để đưa công trình nghiên cứu xử lý tín hiệu âm thanh phổi vào ứng dụng thực tế”, Tùng chia sẻ thêm.
Từ năm 2017, AES Mông Dương phối hợp với Trung tâm Giáo dục và Phát triển (CED) đã trao học bổng Năng lượng Tương lai cho các sinh viên xuất sắc đến từ Quảng Ninh và các tỉnh phía Bắc chuyên ngành Điện tại Đại học Bách Khoa Hà Nội, Đại học Điện Lực và Đại học Khoa học Tự nhiên – Đại học Quốc gia Hà Nội. Các suất học bổng trị giá 600 đô la Mỹ mỗi suất, nhằm mục đích đầu tư vào giáo dục đào tạo và chuẩn bị lực lượng lao động công nghệ cao cho ngành năng lượng của Việt Nam trong bối cảnh nhu cầu điện ngày càng tăng của đất nước. Các sinh viên nhận học bổng không chỉ nhận được những khoản hỗ trợ tài chính mà còn có cơ hội tham gia các khóa đào tạo kỹ năng mềm và đào tạo tiếng Anh, các hoạt động tình nguyện, hỗ trợ cộng đồng và thăm quan nhà máy AES Mông Dương.